August 24, 2022
Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể “cán đích”, thậm chí vượt kế hoạch đã đề ra.
Xuất khẩu gạo đạt gần 4,08 triệu tấn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 07/2022 cả nước xuất khẩu 582.635 tấn gạo, tương đương 285,28 triệu USD, giá trung bình 489,7 USD/tấn, giảm gần 20% cả về lượng và kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 0,3% so với tháng 06/2022; so với tháng 07/2021 thì tăng mạnh 30,4% về lượng, tăng 23% kim ngạch nhưng giảm 5,6% về giá.
Tính chung cả 07 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương trên 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với 07 tháng đầu năm 2021, giá trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.
Các thị trường xuất khẩu gạo top đầu của Việt Nam 07 tháng đầu năm nay gồm Philippines, Bờ Biển Ngà và Trung Quốc.
Theo đó, trong tháng 07/2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 354.279 tấn, trị giá 165,810 triệu USD, so với tháng 07/2021 tăng gần gấp 2 lần về lượng và tăng 1,93 lần về kim ngạch. Tính chung 07 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1.978.849 tấn, trị giá 924,875 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 55,72% về lượng và tăng 38,92% về kim ngạch.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, 07 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh vì họ lo ngại Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo nên đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Tuy lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch tăng không tương xứng, do thương nhân ép giá và tính ra giá gạo xuất khẩu sang Philippines giảm chứ không tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo chuyên gia này, hiện người dân Philippines rất ưa chuộng gạo Đài Thơm 8 (DT8) của Việt Nam, vì chất lượng ngon, giá thành hợp lý nên cạnh tranh tốt và quan trọng là chỉ có Việt Nam mới sản xuất được DT8 nên chiếm ưu thế và giữ thị phần ổn định, dù Thái Lan “rất thèm muốn” nhưng không thể cạnh tranh được với Việt Nam gạo DT8 ở thị trường này.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, mặc dù trong tháng 07/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh 44,9% về lượng và giảm 41,7% kim ngạch so với tháng 6/2022, đạt 27.617 tấn, tương đương 14,53 triệu USD; so với tháng 7/2021 cũng giảm mạnh 55,5% về lượng, giảm 50,5% kim ngạch.
Nhưng tính chung 07 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giá trung bình 520,6 USD/tấn, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ ba trong top thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam 07 tháng đầu năm nay là Bờ Biển Ngà, với lượng gạo xuất khẩu tháng Bảy đạt 74.029 tấn, trị giá 35,636 triệu USD, so với tháng 07/2021 tăng 17,52% về lượng và tăng 10,14% về kim ngạch. Tính chung 07 tháng đạt 396.759 tấn, trị giá 177,702 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 48,29% về lượng và tăng 30,17% về kim ngạch.
Xuất khẩu gạo có thể “cán đích” 6,3 triệu tấn
Hiện tại, các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa việc nhu cầu tăng cao từ thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể “cán đích”, thậm chí vượt kế hoạch Bộ NN&PTNT đề ra. Để làm được việc đó, các doanh nghiệp cần khai thác triệt để lợi thế về giá, về nhu cầu thị trường và nhóm thị trường.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu trở lại từ Trung Quốc.
Cũng theo VDSC thì biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất gạo Việt Nam sẽ cải thiện nhờ xu hướng giảm giá phân bón sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng giữa Nga-Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân trên toàn thế giới. Hơn nữa, sự gia tăng mạnh mẽ của giá lúa mì trong giai đoạn tháng 06/2020 và tháng 05/2022 đã dẫn đến xu hướng sử dụng một số thực phẩm bằng gạo có giá thành rẻ hơn để thay thế lúa mì. Do đó, nhu cầu gạo toàn cầu đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Cùng với chi phí đầu vào (ví dụ như phân bón) tăng mạnh, giá gạo thế giới tiếp tục tăng trong 05 tháng đầu năm 2022 sau khi tăng mạnh trong giai đoạn tháng 08/2020 và 12/2021. Mặc dù giá gạo toàn cầu điều chỉnh giảm trong tháng Sáu; song với Việt Nam (nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới) giá xuất khẩu gạo trung bình đã di chuyển theo hướng ngược lại so với giá toàn cầu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần cuối cùng của tháng Bảy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 45 USD/tấn.
Đối với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 4 USD/tấn, hơn gạo cùng loại Ấn Độ 65 USD/tấn và hơn gạo Pakistan 43 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới.
Ba nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng sản lượng gạo
VDSC kỳ vọng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa trên ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 43,6% tổng giá trị xuất khẩu trong 5T2022 - được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tiêu thụ gạo ở Philippines đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang (tăng 2% so với cùng kỳ theo dự báo của USDA) đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022, sẽ được hưởng lợi.
Thứ hai, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 - dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19,5% cả về sản lượng và giá trị do chính sách Zero-Covid của nước này.
Mặc dù chính sách này chưa được dỡ bỏ, VDSC kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo ngày càng nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm. Nguyên nhân chính là do các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô.
Thứ ba, xuất khẩu gạo sang Châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong 05 tháng đầu năm 2022, nhưng có rất ít doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn để vào thị trường này.
Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016