Nuôi biển đầy rủi ro
Biến đổi khí hậu, bão, gió mạnh, sóng lớn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên ngư dân nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè gỗ truyền thống thường xuyên phải hứng chịu rủi ro và dễ bị thiệt hại kinh tế. Từ đó, buộc ngư dân cần phải thay đổi phương thức nuôi để vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, cũng như giúp nghề nuôi phát triển lâu dài và bền vững.
Khánh Hòa nằm ở khu vực duyên Hải Nam Trung bộ với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, với 385 km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió.
Cùng với đó, có các Trung tâm Nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản đóng chân trên địa bàn như: Viện Nghiên cứu thủy sản III, Viện Hải dương học Nha Trang, Đại học Nha Trang, đã thúc đẩy phong trào nuôi biển của tỉnh này phát triển thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 5 vùng nuôi trên triều chính gồm các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, TX Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Trong đó, tôm hùm và cá biển (cá bớp, cá chim, cá chẽm, cá mú) là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh này, được nuôi tại 4 địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.
Tổng số lồng nuôi tôm hùm của toàn tỉnh khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng thu được trên dưới 1.300 tấn. Còn nuôi cá biển có gần 10.000 lồng, với tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi như cua biển, hàu Thái Bình Dương và rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể việc nuôi biển của tỉnh này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bởi tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các vùng nuôi lồng bè trong tỉnh hiện chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ. Hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng gió lớn.
Vì vậy, có thể nói việc nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn…
Bài học quá đắt từ bão Damrey và bão số 9
Minh chứng về rủi ro do thiên tai là khi cơn bão số 12 vào năm 2017 (cơn bão Damrey) với sức gió cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn đổ bộ vào Khánh Hòa đã đánh tan tành lồng bè nuôi truyền thống của người nuôi.
Hậu quả của cơn bão này đã gây thiệt hại rất nặng với hơn 16.500 tỷ đồng, trong đó nuôi trồng thủy sản thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.
Khu vực nuôi trên vịnh Vân Phong, nơi tâm bão đi qua là nơi thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vùng nuôi này những năm qua phát triển nuôi biển chủ yếu quy mô nuôi nhỏ ở mức hộ gia đình, thả nuôi ở vùng ven bờ.
Lồng nuôi được làm từ các nguyên liệu thô sơ như tre, gỗ, sắt thép, với kích thước nhỏ (thể tích 96 - 125 m3/lồng). Các loại lồng này chỉ nuôi được ở các vùng có dòng chảy chậm, ít sóng gió và thời gian sử dụng tương đối ngắn nên hiệu quả đầu tư không cao, cũng như sức chống chịu kém khi có bão xảy ra.
Anh Trần Văn Thành, một người nuôi ở thị trấn Vạn Giã cho biết, có thể nói cơn bão Damrey là nỗi ám ảnh không thể nào quên của người nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ bài học cơn bão này, đến mùa mưa bão hầu hết bà con đều di dời lồng bè đến nơi an toàn.
Đồng thời người nuôi cũng chấp hành rời lồng bè để đảm bảo an toàn tính mạng. Tuy nhiên theo người nuôi, dù di dời lồng bè đến nơi an toàn song mỗi khi nghe thông tin bão là họ đều run rẩy, lo lắng cho lồng bè nuôi tôm cá.
Thực tế, điều lo lắng đó của người nuôi là không thừa vì một lần nữa từ ảnh hưởng cơn bão số 9, kết hợp với không khí lạnh xảy ra vào cuối năm 2021 đã gây sóng lớn đánh tan tành lồng bè bằng gỗ ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa).
Tại hiện trường toàn bộ lồng bè nuôi của người nuôi bị sóng lùa co cụm lại thành một đống củi, nhiều cây gỗ dùng làm khung bè bị bẽ gãy đôi nằm la liệt, còn các thùng nhựa dùng làm phao bè trôi nổi nằm ngổn ngang trên mặt biển.
Bà con ở đảo Bình Hưng chạy khắp nơi tìm bè của mình đỏ mắt vì không còn cái bè nào nguyên vẹn để nhận ra. Chứng kiến cảnh tượng lồng bè rách nát, cá tôm theo bọt nước, người nuôi bỗng chốc trắng tay, khóc hết nước mắt, chúng tôi cảm thấy xót xa và đau lòng cho người nuôi.
Đứng trên lồng bè nuôi không còn nguyên vẹn, giọng chị Đào Thị Ngọc Thảo than vãn nói: Bao nhiêu năm tích góp vốn liếng gây dựng nuôi tôm giờ gia đình mất cả hết rồi. Gia đình cũng chẳng biết lấy gì để phục hồi sản xuất và trả nợ ngân hàng do vay thêm đầu tư nuôi tôm đây.
Không ngờ cuối năm rồi mà lại xuất hiện cơn sóng dữ bất thường đã lùa toàn bộ 30 ô lồng, trong đó 20 lồng nuôi tôm hùm đều đến thời kỳ xuất bán của gia đình bị hư hỏng sạch, lồng nuôi rách nát, cá tôm theo con bọt nước ra ngoài biển, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Không chỉ gia đình chị Thảo bị thiệt hại tiền tỷ mà rất nhiều người nuôi khác trong thôn cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, trở nên trắng tay. Như gia đình anh Võ Đủ cũng bị thiệt hại toàn bộ 20 lồng nuôi tôm hùm xanh đã đạt trọng lượng xuất bán (trung bình khoảng 3 con/kg).
Anh Đủ than, hiện mỗi lồng nuôi này có giá trị 80 triệu/lồng. Dự định, vài ngày nữa gia đình sẽ xuất bán để trả nợ tiền vay ngân hàng, tiền mua mồi cho tôm ăn, cũng như mua giống tái đầu tư sản xuất. Nhưng ai ngờ rằng cuối năm rồi lại xuất hiện bão gây sóng lớn khiến gia đình mất hết tài sản lâu nay tích góp.
Trong khi đó, anh đang mang nợ hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, không biết làm sao để trả nợ sắp tới. Do đó, anh Đủ cũng như nhiều bà con nơi đây mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ để giúp họ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cũng theo người dân ở thôn đảo Bình Hưng, lâu nay khu vực nuôi này cũng hay bị ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới nhưng không gây thiệt hại lớn như lần này. Dù cơn bão này không đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại gây sóng lớn bất ngờ cao từ 6 - 8m, thậm chí có đợt sóng cao 10m, nước lại chảy xiết, lùa các bè tấp dồn lại một cục.
Từ đó khiến bè này đâm bè kia, lồng này đầm lồng nọ nên giờ ở Bình Hưng không còn bè nào nguyên vẹn, tôm cá chạy ra khỏi lồng nuôi hết. Do đó, trước thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, người nuôi thủy sản bằng lồng bè cần thay đổi phương thức sản xuất để đảm bảo vẹn toàn tôm, cá thả nuôi.
Ông Trần Văn Vinh, Trưởng thôn Bình Hưng, xã Cam Bình cho biết, toàn thôn có khoảng 120 bè nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tôm hùm xanh, cá các loại. Để ứng phó bão số 9, dù bà con đã gia cố lồng bè chắc chắn và vào bờ tránh trú an toàn nên không gây thiệt hại về người, song sóng lớn đã đánh hư hỏng toàn bộ lồng bè của bà con, gây thiệt hại nặng nề.
Theo UBND xã Cam Bình, thông kế thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn thôn Bình Hưng làm 2.472 lồng, trong đó 573 lồng nuôi tôm hùm bông và 1.899 lồng nuôi tôm hùm xanh bị thiệt hại. Bên cạnh đó 82 bè bị hư hỏng với mức độ từ 20% đến 100%; 2 ghe và 1 cano bị chìm, tổng ước thiệt hại do cơn bão này gây ra khoảng 384 tỷ đồng.