Tại buổi hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu ngày 14/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, Việt Nam đã và đang là "thiên đường đầu tư", chứ không phải là "thiên đường thuế" trong mắt các nhà đầu tư thế giới.
Theo ông Minh, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện là 20%, cao hơn mức thuế tối thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất (15%). Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi cho các dự án nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 hàng năm; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm)...
"Qua điều tra, thuế thực thu của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 12,3%. Nếu áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% như đề xuất, những ưu đãi của chúng ta sẽ không còn", ông Minh nói.
So sánh với một số nước trong khu vực, lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ rõ, thuế thực thu của Việt Nam cao hơn Thái Lan (9,5%); Singapoe (7%), Indonesia (11,5%), và chỉ thấp hơn Philippines (21,7%).
Một điểm nữa, những ưu đãi về thuế Việt Nam đang áp dụng chủ yếu cho nhóm 3% các doanh nghiệp lớn. Một số dự án lớn, triển khai lâu dài, theo ông Minh, thậm chí nhận mức thuế ưu đãi khoảng 2,75-5,95%.
Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến những ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam bị giảm sút. Đồng thời, chuỗi giá trị ngành hàng, các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vệ tinh đều sẽ cân nhắc khi đầu tư vào nước ta.
"Điều tôi lo lắng nhất là cán cân thanh toán thuế bị ảnh hưởng. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia sẽ không còn ưu tiên cất ngoại tệ tại Việt Nam", ông Minh nhấn mạnh.
Bàn thêm về thuế thực thu của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài, TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nêu quan điểm, rằng mức tăng từ 12,3% lên 15% không nhiều. Ông lý giải, rất ít doanh nghiệp FDI báo lãi trong thực tế.
Cho rằng Việt Nam nên "chấp nhận cuộc chơi", ông Lực khuyến cáo một số vấn đề liên quan đến chính sách để Việt Nam giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta cần để cho doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn, hoặc họ chấp nhận bỏ hết ưu đãi thuế thu nhập và chấp nhận mức thuế chung 15%, hoặc họ tiếp tục hưởng ưu đãi hiện tại và nộp phần thuế còn thiếu tại nơi đặt công ty mẹ", chuyên gia kinh tế bày tỏ.
Nhận định, các công ty đa quốc gia sẽ hướng theo lựa chọn thứ hai, nhằm hưởng những ưu đãi về thuế tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ sớm thành lập một tổ công tác liên ngành do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng. Mục đích là để có những giải pháp đồng bộ, thông suốt giữa các Bộ, ban, ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên sớm có chính sách, chấp thuận cho doanh nghiệp tăng một số chi phí như chi phí khấu hao cho công tác nghiên cứu, hoặc công nghệ cao để giảm mức chịu thuế. Ngoài ra, là những ưu đãi về quỹ đất sạch, những chính sách an sinh xã hội đi kèm.
Ngày 1/7/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí với quy định áp mức thuế tối thiếu trên phạm vi toàn cầu. Các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng thông qua thỏa thuận này vào trung tuần tháng 7/2021.
Tháng 10/2021, mức thuế 15% đã được 139 quốc gia đồng ý.
Theo thỏa thuận này, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro trở lên. Tỷ lệ đánh thuế 15% sẽ không tăng ngay lập tức, và các doanh nghiệp nhỏ được cho là ít bị ảnh hưởng.
Những nhà đề xuất ý tưởng thuế tối thiểu toàn cầu mong muốn phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất hành tinh, góp phần giảm tình trạng các nước giảm thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Dù vậy, thuế tối thiểu toàn cầu bị xem là giảm tính hấp dẫn của những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi thu hút FDI.