Thay đổi thứ hạng ngành tôm Việt Nam nhờ giống
Thông qua hợp tác độc quyền cùng Viện CSIRO (Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp quốc gia Úc), từ năm 2010 đến nay, Việt Úc là tập đoàn tiên phong đầu tư vào lĩnh vực tôm bố mẹ.
Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho phép Tập đoàn Việt Úc đưa tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho ngành tôm Việt Nam.
Chương trình chọn giống tôm bố mẹ đã đưa Việt Nam góp mặt vào 1 trong 4 cường quốc lớn (Mỹ, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) có thể chủ động nguồn tôm bố mẹ, góp phần thay đổi thứ hạng ngành tôm Việt Nam trên bản đồ thế giới. Từ đó, tạo sự chủ động trong sản xuất nguồn tôm giống công nghệ cao, nâng tỉ lệ thành công và lợi nhuận cho người nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh cho biết, sau thời gian dài nghiên cứu, tôm giống Việt Úc đã được cải thiện các tính trạng, không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng nhanh mà còn có sức đề kháng mạnh, tính thích nghi tốt, sạch bệnh hoàn toàn.
Mục tiêu cuối cùng của chương trình chọn giống tôm bố mẹ này là phân tách, lưu giữ được những gen ưu việt nhất. Từ đó, tiếp tục phát huy những tính trạng này và cho ra thị trường các thế hệ tôm giống ngày càng ưu việt.
Từ những ngày đầu, nhận thấy tầm quan trọng của con giống tôm, Tập đoàn Việt Úc đã nghiên cứu, đưa các giải pháp công nghệ ưu việt về Việt Nam áp dụng vào sản xuất.
Để con giống được ương dưỡng tốt nhất, Việt Úc đầu tư sản xuất thức ăn cho ấu trùng tôm, bao gồm tảo tươi và Artemia với các thành phần dinh dưỡng vượt trội, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện và được ví như “nguồn sữa mẹ” giúp nâng cao chất lượng tôm giống.
Năm 2021, tôm giống công nghệ cao VUS LEADER 21 được ra đời. Để có được giống tôm này, trong suốt quá trình ương dưỡng, Tập đoàn Việt Úc đã tăng khẩu phần ăn, sử dụng gấp đôi lượng tảo tươi và Artemia. Đây là dòng tôm giống mới nổi bật với các tính trạng vượt trội như tăng trưởng nhanh hơn 10% so với thế hệ trước đó, đề kháng mạnh hơn, thích nghi tốt hơn, đầu con đạt hơn.
Vừa trò chuyện, ông Nguyễn Xuân Thắng vừa lấy chiếc thẻ căn cước của mình ra ví von. Theo ông, mỗi người dân từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều có giấy tờ tùy thân, tôm giống Việt Úc cũng vậy. Nhờ ứng dụng công nghệ điện tử, có thể bắn chíp vào mỗi con tôm, như cấp “chứng minh nhân dân” cho từng cá thể. Từ đó, tôm được phân lập, theo dõi, sàng lọc trên từng cá thể, để tránh quan hệ họ hàng, cận huyết và giúp người nuôi có thể truy xuất được nguồn gốc.
Tiến một bước xa hơn, Việt Úc từng bước ứng dụng các nghiên cứu hiện đại, tân tiến nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học, như công nghệ Gen/AND, công nghệ di truyền phân tử, công nghệ di truyền số lượng. Nhờ vậy, giúp giải mã được toàn bộ bộ gen của con tôm trên quy mô lớn.
Bằng sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng từ công nghệ, đội ngũ, cơ sở vật chất, tôm giống công nghệ cao VUS LEADER 21 mang đến “luồng gió mới”, tạo sự an tâm, đảm bảo thành công cho bà con nuôi tôm khắp cả nước trước mỗi vụ thả nuôi mới.
"Hướng đến sự phát triển chung cho ngành tôm Việt Nam và hỗ trợ tối đa cho người nuôi, Việt Úc Quảng Ninh còn có các dịch vụ kiểm tra môi trường nước, xét nghiệm, khám bệnh trên tôm nuôi, tư vấn các giải pháp nuôi công nghệ cao bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Thắng nhấn mạnh.
Vùng nào, giống ấy
Chất lượng tôm giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi. Do đó, tôm giống thả nuôi cần chọn mua từ các cơ sở sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định.
“Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”, đây là câu nói được nhiều thế hệ nuôi tôm cũng như những người dân nuôi trồng thủy sản hay truyền tai nhau, như ngầm khẳng định chất lượng con giống là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thắng thì cả 4 yếu tố con giống, môi trường, thức ăn và kỹ thuật đều quan trọng như nhau, người nuôi cần đảm bảo cân bằng 4 yếu tố để vụ nuôi được thành công.
Bên cạnh đó, yếu tố phù hợp cũng được ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh. “Phù hợp ở đây là con giống ở khu vực miền Nam và miền Bắc sẽ có các đặc tính khác nhau. Ở miền Bắc thời tiết lạnh hơn, nên con giống bên cạnh tính trạng tăng trưởng nhanh, cần có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, chịu được lạnh. Chính vì vậy, giống tôm của Việt Úc được nghiên cứu để chọn lọc các đặc điểm phù hợp với môi trường, thời tiết của từng vùng miền. Khách hàng khi làm việc với Việt Úc có thể “order” tôm giống tương ứng với môi trường, thời tiết vùng nuôi. Từ đó, hạn chế những rủi ro trong việc nuôi tôm”, ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm có thể sử dụng các biện pháp đánh giá cảm quan để chọn tôm giống chất lượng. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối.
"Ngoài ra, khi thả tôm giống vào chậu, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành chậu, tôm yếu tụ lại ở giữa. Nếu có trên 5% tôm con thả trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu và không nên chọn mua", vừa nói, ông Thắng vừa dùng ngón tay khuấy đều nước trong chậu.
Tôm giống khỏe mạnh có các yếu tố khác như phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bệnh phát sáng. Gan tụy to và có nhiều giọt mỡ khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm tốt, còn nếu gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt mỡ là tôm nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc quan sát dưới kính hiển vi còn có thể phát hiện sự bám bẩn trên tôm giống bởi các loại ký sinh trùng và nấm.
Theo khảo sát, những người sử dụng tôm giống Việt Úc tại Quảng Ninh đều chia sẻ sự hài lòng với chất lượng cũng như năng suất tôm thương phẩm. Ngoài ra, Việt Úc còn hỗ trợ tôm giống cho người nuôi trong trường hợp xảy ra dịch bệnh khiến tôm chết để người nuôi an tâm phần nào trước những rủi ro trong quá trình nuôi.
Dần chủ động nguồn giống tại chỗ
Xác định vai trò của con giống thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng để sản xuất, nhập khẩu con giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nếu như năm 2015, số lượng giống thuỷ sản thả toàn tỉnh là 3.852 triệu con, số lượng giống sản xuất tại chỗ là 550 triệu con, chỉ đáp ứng được 14,3% nhu cầu thả giống của người nuôi thì đến năm 2021, số lượng giống thuỷ sản thả toàn tỉnh là 5.421 triệu con, số lượng giống sản xuất tại chỗ là 2.110 triệu con, đáp ứng gần 40% nhu cầu thả giống của người nuôi.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025, số lượng giống thuỷ sản thả toàn tỉnh là 7.800 triệu con, trong đó số lượng giống sản xuất tại chỗ là 5.460 triệu con, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thả giống của người nuôi.
Ngoài đáp ứng đủ nhu cầu giống thả nuôi của người dân, tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng giống thuỷ sản bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng và sản xuất giống.
Hiện Trung tâm Sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn đã được đầu tư xong về cơ sở hạ tầng, đang xây dựng phương án quản lý, khai thác hạ tầng vùng sản xuất.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư để cung cấp tối thiểu 1,5 tỷ giống nhuyễn thể sạch bệnh, chất lượng cao, cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm của tỉnh và các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Ngoài ra, Quảng Ninh tiến tới thành lập Khu nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà với quy mô gần 170ha, công suất tối đa 8 tỷ con giống/năm.
Quảng Ninh định hướng phát triển thủy sản là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, lĩnh vực thủy sản chiếm khoảng 60% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định đạt trên 10.700 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 6,3%/năm, tạo việc làm cho 50.000 lao động.